Khó khăn của ngành Du lịch khi đại dịch COVID đến?
Sau các đợt dịch liên tiếp, nhất là đợt dịch thứ 4 đang hoành hành ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, du lịch có lẽ đã thực sự chạm đáy khi không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu. Diễn biến phức tạp kéo dài, xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, có thể nói đợt lần thứ 4 này thực sự là một đòn chí mạng làm cho du lịch trong nước vốn đang lao đao thực sự bị đốn gục. Chính vì vậy kịch bản nào sẽ cứu cánh cho ngành công nghiệp không khói này, đang là câu hỏi nhức nhối đối với các chuyên gia và nhà quản lý.
Không chỉ có Việt Nam mà có lẽ đây là tình trạng chung của du lịch hầu hết cá quốc gia trên thế giới trong thời điểm COVID đang hoành hành. Ở Việt Nam tại thời điểm này du lịch quốc tế hầu như hoàn toàn ‘’ đóng băng’’, du lịch nội địa có rục rich ở những “ vùng xanh” nhưng không đáng kể.
Nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch trên goole và tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. Và theo dự báo tình hình dịch COVID -19 ở một số tỉnh thành trong nước nhất là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn kéo dài hết năm nay, thậm chí sang các năm tiếp theo, vì thế hy vọng về một ngày kia du lịch nội địa sẽ “ cất cánh” là một điều vô cùng xa vời. Cơ hội du lịch hồi sinh sẽ rất khó khăn. Thậm chí sau dịch sẽ còn đặt du lịch vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại giữa các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn. Đây cũng chính là cơ hội để cơ cấu lại ngành, thanh lộc những công ty, đơn vị làm ăn chụp giựt, tạo điều kiện để những công ty du lịch sạch khẳng định thương hiệu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tiềm năng cho du lịch sau đại dịch COVID-19?
Khó khăn sau đại dịch là rất lớn, nếu các công ty lữ hành thực sự muốn hút khách chắc chắn phải có những bước đi thận trọng, thậm chí không màng tới lợi nhuận để hút khách. Vì vậy bài toán giảm chi phí giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng các tour du lịch chắc chắn sẽ là một trong những giải pháp kích cầu hàng đầu để du lịch hồi sinh.
Đón đầu xu hướng mới, các công ty du lịch cần phải tính toán để các chiến lược dài hơn. Bên cạnh việc kích cầu, giảm giá không màng đến lợi nhuận, nhiều công ty du lịch giữ vững quan điểm tốt nhất là giữ chất lượng dịch vụ là điều quan trọng nhất, các công ty du lịch sử dụng mức giá linh hoạt cho từng thời điểm.
Nhận định về những khuynh hướng đương đại trong du lịch, và những xu hướng mới sau dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch đoàn sẽ bị hạn chế, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch bền vững…sẽ lên ngôi. Du khách được hoà mình với thiên nhiên, tạo sự gắn kết giữa người dân và du khách.
Dẫu biết rằng tương lai phía trước của ngành du lịch vẫn còn rất mù mịt, chưa biết bao giờ mới chấm dứt, thế nhưng những người làm du lịch vẫn giữ niềm tin, nuôi hy vọng về những gam màu tươi sang hơn trong bức tranh về du lịch toàn cầu cũng như trong nước. Khoảng lặng giữa dịch bệnh hiện nay, những mất mát của ngành Du lịch lúc này chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội để những người làm du lịch chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân để đón đầu sự trở lại mới của du lịch./.